(Xây dựng) – Vừa qua, Bộ Xây dựng nhận được Văn bản số 11764VPCP-QHĐP ngày 3/12/2018 của Văn phòng Chính phủ, đề nghị có ý kiến bằng văn bản đối với những đề xuất, kiến nghị của đại biểu Đại hội toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam, để chuẩn bị tài liệu cho lãnh đạo Chính phủ tham dự Đại hội toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X.
Một góc dự án xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp (Ảnh TL)
Cụ thể, những đề xuất, kiến nghị liên quan đến việc chăm lo, tạo điều kiện để sinh viên phát triển toàn diện nêu tại mục 2, mục 3 Phần IV, Câu hỏi đối thoại với Đại biểu Đại hội toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X gồm các nội dung như sau: “Hiện nay, số sinh viên phải ở ngoại trú, thuê nhà chiếm tỷ lệ rất lớn do ký túc xá các trường không đủ. Hầu hết sinh viên phải thuê nhà ở tại các khu tạm bợ, chật chội, không có không gian để vui chơi lành mạnh. Từ đó, nhiều bạn đã sa ngã, hư hỏng. Trong khi đó, các điểm vui chơi văn hóa, sân tập thể thao cho sinh viên còn thiếu. Chúng em mong muốn Chính phủ có giải pháp tăng cường các thiết chế văn hóa, các điểm vui chơi lành mạnh cho thanh niên, sinh viên; đồng thời có nhiều hơn nữa các dự án nhà ở sinh viên thuê với giá phải chăng kèm theo các công trình hạ tầng đảm bảo đời sống tinh thần cho các bạn sinh viên (Hà Nội)”.
“Hiện nay, nhiều trường chuyển hình thức đào tạo từ niên chế, sang tín chỉ. Các bạn sinh viên từ học tập theo một chương trình đã có sẵn, dưới sự quản lý sát sao của thầy cô, nhà trường chuyển sang hình thức học tập với tính tự giác, chủ động của bản thân. Điều này đã dẫn đến một bộ phận sinh viên bỏ bê học tập, sa vào các tệ nạn xã hội, thậm chí là bỏ học. Em nghĩ rằng một trong những giải pháp để khắc phục tình trạng này là xây dựng khu nội trú cho sinh viên. Em rất mong Chính phủ quan tâm đầu tư, mở rộng hệ thống ký túc xá chung cho sinh viên để sinh viên sinh viên yên tâm tập trung vào học tập (Hà Nội)”.
Theo Bộ Xây dựng, tình hình thực tế cho thấy các trường đại học, cao đẳng ở nước ta hầu hết đều tập trung tại các thành phố lớn, chỗ ở của học sinh, sinh viên hiện nay còn nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với học sinh, sinh viên xuất thân từ nông thôn, vùng sâu vùng xa, học sinh con em các hộ nghèo cũng như gia đình chính sách. Số lượng học sinh, sinh viên phải thuê nhà trọ tư nhân còn chiếm tỷ lệ tương đối cao. Chất lượng các phòng trọ do tư nhân tự xây dựng cho thuê hầu hết đều rất chật hẹp (diện tích sử dụng bình quân từ 2-4 m2/người), điều kiện vệ sinh, môi trường không đảm bảo, giá cho thuê bình quân khoảng 400.000 đồng/01 người tháng, còn tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh giá thuê trung bình 600.000 đồng/người tháng, trong khi nhiều gia đình sinh viên cũng còn rất khó khăn về kinh tế.
Bên cạnh đó, đại đa số các ký túc xá của các trường đã được xây dựng từ lâu nhưng không có kinh phí để duy tu, sửa chữa thường xuyên, hầu hết đã bị xuống cấp, hầu hết các trường còn thiếu những công trình phục vụ sinh hoạt của sinh viên như sân tập thể thao, các câu lạc bộ, sân chơi… ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thể chất và sinh hoạt văn hóa của sinh viên, học sinh.
Để giải quyết nhu cầu nhà ở cho sinh viên thuê, ngày 20/4/2009 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Ngày 24/4/2009 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 65/2009/QĐ-TTg về một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề thuê, theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc đầu tư xây dựng nhà ở sinh viên phải đảm bảo các yêu cầu: Phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Chủ yếu đầu tư xây dựng theo hướng tập trung, đáp ứng yêu cầu mỗi dự án có thể giải quyết chỗ ở cho học sinh, sinh viên của một số trường hoặc cụm trường trên địa bàn theo điều kiện cụ thể của từng địa phương; Có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ để đảm bảo các thiết chế văn hóa, điểm vui chơi giải trí lành mạnh, khu chức năng và không gian phục vụ nhu cầu ở, học tập, sinh hoạt văn hóa, thể dục - thể thao nhằm cải thiện điều kiện sống của học sinh, sinh viên cả về vật chất và tinh thần.
Tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định: số 1308/QĐ-TTg ngày 20/8/2009, số 2217/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 và số 257/QĐ-TTg ngày 11/02/2010… để phê duyệt danh mục và phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư xây dựng 95 dự án nhà ở sinh viên tại 29 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an) trong giai đoạn 2009 – 2015, với tổng số vốn đã phân bổ trên 12.600 tỷ đồng.
Đến nay, hầu hết các dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên đã hoàn thành đưa vào sử dụng với hiệu suất sử dụng trung bình đạt khoảng 83%. Các dự án nhà ở sinh viên đều có thiết kế phù hợp, một số dự án được thiết kế hiện đại, chất lượng thi công tốt, trang thiết bị nội thất, nơi học tập, sinh hoạt được cải tiến, nhiều dự án được lắp đặt thiết bị hiện đại như phòng thư viện, internet. Theo báo cáo của các địa phương, mức giá cho thuê nhà đều ở mức thấp, các dự án tại Thái Nguyên, Cần Thơ, Bắc Ninh... giá thuê nhà ở sinh viên trung bình chỉ khoảng 100.000 đồng người/tháng, đã tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên có chỗ ở.
Riêng trên địa bàn TP Hà Nội, 10 dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã cơ bản đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng, gồm: 08 dự án ký túc xá sinh viên được đầu tư xây dựng trong khuôn viên các cơ sở đào tạo như Đại học Thủy Lợi, Đại học Ngoại Thương, Đại học Nông nghiệp 1, Đại học Lâm nghiệp, Đại học Sư phạm Hà Nội… 2 dự án nhà ở cho sinh viên tại các khu tập trung là: Dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên tại Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai và dự án nhà ở cho sinh viên tại Khu đô thị Mỹ Đình II.
Tuy nhiên, theo báo cáo, hiện nay số lượng học sinh, sinh viên thuê phòng tại dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên tại Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai là rất thấp, chỉ đạt hiệu suất sử dụng khoảng 30%, số lượng phòng trống còn rất nhiều. Do dự án này nằm xa các trường đại học, giao thông đi lại khó khăn, sinh viên bị quản lý về thời gian cũng như hạn chế trong việc đón tiếp bạn bè, khách đến thăm, khu nhà ở chưa có các điểm vui chơi, văn hóa, thể thao cho sinh viên, nên chưa tạo ra sức hút để khuyến khích sinh viên vào ở.
Luật Nhà ở được Quốc hội ban hành năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã có những quy định về cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng là học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập. Ngoài hình thức đầu tư xây dựng các dự án nhà ở sinh viên bằng nguồn vốn đầu tư công, pháp luật về nhà ở đã có các cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên theo phương thức xã hội hóa.
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu, có nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các khu nhà ở ký túc xá cho học sinh, sinh viên, đồng thời có những biện pháp để thu hút sinh viên vào ở tại Dự án ký túc xá sinh viên, đồng thời sẽ quan tâm, tập trung ưu tiên đối với công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng đồng bộ công trình hạ tầng xã hội, các điểm vui chơi, thể thao, văn hóa lành mạnh cho thanh niên, sinh viên đảm bảo điều kiện học tập cũng như nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho học sinh, sinh viên.